Cách xử lý an toàn khi dây nóng bị hở

14/03/2025

1. Dây nóng bị hở là gì? Tại sao nguy hiểm? 

Dây nóng (hay còn gọi là dây pha) là dây dẫn điện có điện thế cao, thường có màu đỏ, vàng hoặc nâu theo tiêu chuẩn điện tại Việt Nam. Khi dây nóng bị hở, lớp cách điện bị hỏng, khiến dò điện ra môi trường bên ngoài. Điều này gây nguy cơ chập cháy, điện giật và làm hư hỏng thiết bị điện. 
Những nguy hiểm khi dây nóng bị hở: 
  • Nguy cơ điện giật cao, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Đặc biệt khi dây tiếp xúc với nước. 
  • Chập điện, cháy nổ, đặc biệt khi chạm đất hoặc kim loại. 
  • Làm hỏng thiết bị điện do điện áp không ổn định. 

2. Nguyên nhân khiến dây nóng bị hở 

Có nhiều nguyên nhân khiến dây nóng bị hở và dưới đây là những lý do phổ biến khiến dây nóng bị hở: 
  • Lão hóa vỏ dây điện: Theo thời gian, lớp cách điện bị mục, nứt hoặc bong tróc. 
  • Côn trùng, chuột cắn phá: Hệ thống dây điện không được bảo vệ dễ bị gặm nhấm làm hỏng lớp cách điện. 
  • Chập điện do quá tải: Dây chịu công suất vượt mức thiết kế, gây nóng chảy vỏ bọc & cách điện. 
  • Dây bị gập, xoắn hoặc lắp đặt sai cách: Khiến lớp cách điện bị hư hỏng theo thời gian. 
  • Ảnh hưởng của thời tiết: Độ ẩm cao & nhiệt độ cao, môi trường khắc nghiệt có thể làm lớp cách điện và vỏ dây xuống cấp nhanh chóng. 

3. Dấu hiệu nhận biết dây nóng bị hở 

Để nhận biết dây nóng bị hở, có thể quan sát trực tiếp xem lõi đồng có lộ ra ngoài hoặc lớp vỏ có bị rách, tróc hay không. Một dấu hiệu khác là có mùi khét hoặc nghe tiếng nổ lách tách gần ổ điện. Ngoài ra, nếu thiết bị điện hoạt động không ổn định, chập chờn hoặc bị ngắt liên tục, có thể đó là dấu hiệu của dây nóng bị hở.

4. Hướng dẫn xử lý an toàn khi dây nóng bị hở 

Trước khi xử lý dây nóng bị hở, cần lưu ý quan trọng là tuyệt đối không chạm tay vào dây khi chưa ngắt điện.
  • Bước 1: Ngắt ngay nguồn điện. Hãy tắt cầu dao tổng hoặc aptomat để đảm bảo an toàn. Nếu không xác định được nguồn cấp, nên ngắt toàn bộ điện trong nhà. Dùng bút thử điện hoặc đồng hồ đo để kiểm tra xem dây điện còn mang điện hay không trước khi thực hiện bước tiếp theo.
  • Bước 2: Đánh giá mức độ hư hỏng của dây. Nếu chỉ bị tróc lớp vỏ ngoài, có thể bọc lại bằng băng keo điện. Tuy nhiên, nếu dây bị đứt hoặc hở nhiều, cần cắt bỏ và thay đoạn dây mới.
  • Bước 3: Bọc cách điện cho dây nóng bị hở. Sử dụng băng keo điện chuyên dụng, quấn nhiều lớp để đảm bảo cách điện tốt. Tuyệt đối không dùng băng dính thông thường vì không có khả năng cách điện.
  • Bước 4: Thay thế đoạn dây bị hư hỏng (nếu cần). Dùng kìm tuốt dây để làm sạch đầu dây trước khi nối. Nên sử dụng đầu nối chuyên dụng hoặc hàn lại bằng thiếc, sau đó bọc cách điện cẩn thận.
  • Bước 5: Kiểm tra an toàn và bật lại nguồn điện. Sau khi xử lý xong, hãy dùng bút thử điện kiểm tra lại trước khi cấp điện. Sau đó bật aptomat hoặc cầu dao lên và kiểm tra xem hệ thống có hoạt động bình thường không.

5. Cách phòng tránh dây nóng bị hở  

  • Để tránh tình trạng dây nóng bị hở, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa như sau: 
  • Kiểm tra dây điện định kỳ mỗi 6 - 12 tháng. 
  • Chọn dây cáp điện chất lượng cao, có khả năng chịu nhiệt, chịu tải tốt. 
  • Lắp đặt dây điện đúng kỹ thuật, tránh gập, ép dây quá mức. 
  • Dùng ống gen bảo vệ để chống chuột, côn trùng cắn phá. 
  • Không cắm quá nhiều thiết bị vào cùng một ổ điện để tránh quá tải. 
Dây nóng bị hở là một sự cố nguy hiểm, cần xử lý nhanh chóng và đúng cách để đảm bảo an toàn điện. Luôn ngắt điện trước khi thao tác và sử dụng băng keo điện chuyên dụng để cách điện. Để đảm bảo an toàn lâu dài, nên kiểm tra định kỳ và chọn dây điện chất lượng cao để hạn chế tối đa nguy cơ chập cháy và điện giật.
 
 
Chia sẻ bài viết :
Download App